YBĐT – Qua hơn hai năm thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định số 22), tỉnh Yên Bái đã có 1.088 hộ được hỗ trợ về nhà ở.Tuy nhiên, số hộ gia đình người có công cần hỗ trợ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều, ngoài số đã rà soát chưa được hỗ trợ, còn nhiều hộ phát sinh mới.
Trong sốdđã được hỗ trợ có 888 nhà được Trung ương hỗ trợ, 200 nhà được làm từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các gia đình người có công.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22 còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và tồn tại. Tổng hợp 7 nhóm đối tượng người có công năm 2012 có 888 hộ đang ở nhà tạm. Khi thực hiện Quyết định 22, tỉnh đã tiến hành rà soát lại tất cả 12 nhóm người có công theo Pháp lệnh là 2006 hộ. Việc tăng số lượng đề nghị thụ hưởng chính sách khiến ngân sách Trung ương chưa cân đối được nên đến nay Trung ương chưa bố trí vốn hỗ trợ tiếp cho các đối tượng còn lại đã phê duyệt trong Đề án thực hiện Quyết định 22 của tỉnh.
Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương chậm, theo kế hoạch, các địa phương phải hoàn thành trong năm 2013 cho giai đoạn I, nhưng đến tháng 5/2014 tỉnh Yên Bái mới nhận được thông báo tạm cấp kinh phí. Mặt khác, theo dự toán kinh phí Trung ương hỗ trợ cho tỉnh Yên Bái theo số nhà đã được hoàn thành ở giai đoạn I là 35.380 triệu đồng nhưng đến nay mới được bố trí 30.200 triệu đồng, ngân sách địa phương đang phải tạm ứng 5.180 triệu đồng.
Một nguyên nhân nữa khiến việc hỗ trợ sửa chữa, làm nhà cho hộ người có công gặp khó khăn về nhà ở là việc rà soát ban đầu đối tượng để thực hiện chính sách theo Quyết định số 22 tại một số cơ sở chưa chặt chẽ, nhiều đối tượng đã có nhà ở kiên cố, đảm bảo, vẫn được lập danh sách nên mất thời gian rà soát lại.
Mặt khác, mức hỗ trợ từ ngân sách của Trung ương, của tỉnh, của nhà tài trợ và nguồn quỹ khác nhau với các mức từ 20 đến 70 triệu đồng, trong khi đó, hoạt động tuyên truyền, giải thích, phổ biến vấn đề này có nơi chưa tốt, dẫn đến còn có sự hiểu nhầm, thắc mắc, khiếu nại trong quá trình thực hiện, cũng như có tâm lý so bì trong đối tượng được hưởng lợi; một số hộ gia đình đã được bình xét, phê duyệt, nhưng khi thực hiện thì lại không có nguồn lực đối ứng để xây nhà, nên lại phải thay đổi danh sách.
Công tác báo cáo thông tin về tình hình, kết quả thực hiện giữa các cấp có lúc còn chậm, tiêu chí đánh giá nhà ở cần hỗ trợ chưa cụ thể, mang tính chủ quan. Bên cạnh đó, phong tục tập quán của người dân địa phương khi làm nhà như: xem tuổi, chọn ngày, chọn năm làm nhà… cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Quyết định 22.
Qua điều tra, đánh giá lại vào tháng 7/2016, hiện, toàn tỉnh Yên Bái còn trên 2.000 nhà ở hộ gia đình người có công đang khó khăn về nhà ở cần hỗ trợ, trong đó: làm mới 1.127 nhà, sửa chữa là 1.011 nhà.
Để tiếp tục triển khai việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng tại tỉnh Yên Bái, bên cạnh việc chờ bố trí kinh phí từ Trung ương cấp thực hiện Quyết định 22, tỉnh Yên Bái cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các cơ quan, đoàn thể của tỉnh rà soát lại thực trạng, nhu cầu cần hỗ trợ của đối tượng; đồng thời, tích cực vận động các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ để hỗ trợ làm nhà ở cho người có công.
Cần ưu tiên trước cho các đối tượng gia đình người có công mà nhà ở có nguy cơ sập đổ, không an toàn khi sử dụng, hộ gia đình mà người có công cao tuổi, là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Về phía các cơ quan Trung ương, khi thiết kế chính sách cần tính hết được việc phát sinh đối tượng nhiều.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét sớm quyết định bố trí ngân sách để tiếp tục hỗ trợ cho người có công khó khăn về nhà ở đã rà soát năm 2013 thuộc diện được hỗ trợ theo chính sách tại Quyết định số 22 nhưng chưa được bố trí nguồn lực hỗ trợ, nhất là bổ sung nguồn kinh phí hỗ trợ cho tỉnh Yên Bái ở giai đoạn I chưa được bố trí.
Thành Trung