YBĐT – Từ khoảng năm 2000, giống tre măng Bát độ được ngành nông nghiệp tỉnh triển khai trồng ở một số địa phương như huyện Trấn Yên, Yên Bình và thành phố Yên Bái.
Đây là một chủ trương đúng đắn nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa các sản phẩm nông – lâm nghiệp của tỉnh, tạo thêm việc làm mới, nâng cao thu nhập cho nhân dân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Thời gian đầu, nhiều hộ dân ở thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, Yên Bình tham gia trồng tre măng Bát độ theo phong trào, chưa có đầu ra và chưa biết hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này như thế nào. Thực tế, sau khoảng 2-3 năm trồng tre đã cho thu hoạch măng nhưng một số hộ dân ở xã Việt Thành, huyện Trấn Yên và một số địa phương khác không bán được măng, phải để măng phát triển thành cây tre rồi bán “bổi” cho các nhà máy sản xuất giấy vàng mã. Măng trồng không tiêu thụ được, nhiều hộ dân trồng tre măng Bát độ lại phải mất thêm tiền của, công chặt phá bỏ, đánh gốc để trồng sắn cao sản, trồng quế.
Trong khi đó, nhiều hộ trồng tre măng Bát độ tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên và mới đây là xã Hồng Ca (huyện Trấn Yên), xã Yên Thành, xã Mỹ Gia (huyện Yên Bình) lại có thu nhập ổn định, thoát nghèo từ cây tre măng Bát độ và có nhiều hộ đã giàu lên từ trồng loại cây này.
Thấy được hiệu quả kinh tế của việc trồng tre măng Bát độ lấy măng, nhiều địa phương trong tỉnh lại đưa tre măng Bát độ vào Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương mình để phát triển loại cây này. Song, có địa phương nhận được sự đồng thuận của nhân dân và có địa phương như huyện Văn Chấn dân không đăng ký trồng nên vụ trồng tre măng Bát độ năm 2017 không thực hiện được, nguồn vốn tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện về loại cây trồng này chỉ dừng lại trên Đề án.
Một số địa phương khác như huyện Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên thì triển khai thực hiện cơ bản hoàn thành kế hoạch, nhưng măng trồng đã lên chồi được vài tháng rồi gặp phải đợt nắng nóng đầu mùa hè năm 2017 đã chết rất nhiều. Vụ xuân năm 2017, huyện Lục Yên trồng được 141 ha, nhưng tỷ lệ sống chỉ đạt 20%. Huyện Văn Yên trồng được 58,68ha/200 ha theo kế hoạch, tỷ lệ sống cũng chỉ đạt từ 20% -30%. Huyện Yên Bình cũng không khả quan hơn, tre măng Bát độ trồng xong chết rất nhiều. Nhưng chỉ huyện Văn Yên và Lục Yên là phải trả tiền giống cho Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành (Trấn Yên), còn huyện Yên Bình làm hợp đồng chặt chẽ hơn nên không phải trả tiền giống cho đơn vị cung ứng. Nguyên nhân tre măng Bát độ chết thì có nhiều, song theo các hộ dân nguyên nhân chính là do trồng bằng củ giống không phù hợp, do phải vận chuyển xa nên củ măng dập nát, để lâu ngày củ măng bị hỏng.
Mặt khác, do các địa phương ồ ạt trồng theo phong trào “tái cơ cấu ngành nông nghiệp” nên đơn vị cung ứng giống không đáp ứng được. Thậm chí, nhiều huyện, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn phải đặt tiền trước, đơn vị cung ứng mới ký hợp đồng bán giống. Hệ quả là, ngân sách tỉnh đầu tư 3 triệu đồng/ha, nhưng do hợp đồng không chặt chẽ, huyện lại phải bố trí ngân sách 3 triệu đồng/ha để mua giống cho nhân dân trồng dặm nhưng tỷ lệ sống thì chưa biết sẽ như thế nào.
Để cây tre măng Bát độ phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cho những hộ dân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh, các địa phương cần phải có quy hoạch trong việc phát triển loại cây này, nhất là phải tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm măng tre Bát độ, tránh gây thiệt hại cho người dân như một số loại cây đã trồng không có quy hoạch, không có đầu ra; thận trọng trong việc ký hợp đồng khi mua giống măng, tránh tình trạng ngân sách Nhà nước phải đầu tư 2 lần/ một đơn vị diện tích trồng tre măng Bát độ.
Trung Trực