YênBái – “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; phòng chống đuối nước trẻ em” là chủ đề của Tháng hành động Vì trẻ em năm 2019 vừa được Ủy ban quốc gia về trẻ em và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức phát động tại tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, năm 2019 là năm thứ 30 Việt Nam ký Công ước về quyền trẻ em và năm thứ 25 tổ chức Tháng hành động Vì trẻ em. Căn cứ vào 25 quyền trong quy định của Luật Trẻ em, chúng ta phải có trách nhiệm tuyên truyền cho toàn thể cộng đồng và xã hội, nhất là trẻ em hiểu và nắm rõ được quyền của mình.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước hiện vẫn còn khoảng 5,6 triệu trẻ em nghèo theo phương thức tính thiếu hụt các quyền của trẻ em (chiếm khoảng 21% tổng số trẻ em của cả nước), trong đó vùng trung du – miền núi phía Bắc có tỷ lệ trẻ em nghèo cao nhất (chiếm 41,5% số trẻ em nghèo). Trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước và trên 1.500 trẻ em là nạn nhân của các vụ bạo lực, xâm hại tình dục…
Đặc biệt, thời gian gần đây, những vụ, việc trẻ em bị xâm hại tình dục; bị bạo hành và bị đuối nước… xảy ra tại một số địa phương trong cả nước gây nhiều bức xúc, hoang mang trong dư luận xã hội. Đây chính là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách đặt ra cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng và cả nước nói chung trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nên việc triển khai thực hiện các quyền trẻ em tại những xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh vẫn còn không ít trở ngại như: khoảng cách địa lý, tỷ lệ giàu – nghèo giữa vùng thấp với vùng cao; trình độ dân trí, cơ hội phát triển của trẻ.
Đặc biệt là việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em; nước sạch và các dịch vụ phúc lợi xã hội khác của trẻ em. Khắc phục khó khăn đó, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đảm bảo vì lợi ích tốt nhất cho sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức của trẻ em các dân tộc trong tỉnh..
Triển khai Tháng hành động Vì trẻ em năm 2019 với chủ đề: “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; phòng chống đuối nước trẻ em”, các cấp ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục và trẻ em trong tình hình mới; xây dựng chương trình và thực hiện nhiệm vụ, giải pháp triển khai Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Phòng, chống đuối nước cho trẻ em; đẩy mạnh công tác phối hợp trong hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em giữa gia đình, nhà trường và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; tích cực huy động nguồn lực, vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi cho trẻ em; quan tâm chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em thuộc các gia đình chính sách và trẻ khuyết tật… giúp trẻ em được hưởng các quyền của mình như: quyền khai sinh.
Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự; quyền được học tập; quyền được vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch; quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội…
Vì vậy, bảo vệ quyền lợi, chăm sóc sức khỏe và giáo dục trẻ em – những chủ nhân tương lai của đất nước, từng ngày, từng giờ phải được xem là trách nhiệm, nghĩa vụ của tất cả các cấp, các ngành và toàn thể xã hội vì tương lai của cả đất nước và dân tộc.
Thanh Hương